Monday, April 20, 2009

HỌP HÀNH

“Đối thoại văng qua, văng lại” [1]
Áo giáp quên mặc về đêm
Cử tọa tai nào cũng… rêm
Sướng chưa miệng người nhỏ mọn?

Trâu bò húc cho thù xem
Ruồi muỗi chết có êm đềm?
Hưởng lợi là Ngư-Ông-Vẹm
Nhìn cộng đồng mình lấm lem

Ném đá, mỗi người một cách
Bàn tay giấu kín sau rèm
Quái chiêu, ai cũng… tròm trèm
Lề nát, giấy… càng thêm rách! [2]

---------------------------------------
[1] Nguyên văn của nhà văn Tam Ích
[2]Tục ngữ:
-Giấy rách phải giữ lấy lề.
-Ném đá, giấu tay.
-Trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết.

Friday, April 17, 2009

VỀ NHÉ!

Mình về nhé! Chọn con đường đẹp nhất
Về nha anh! Bằng giá trị thuyền nhân
Ngày Tự Do là ngày của toàn dân
Về mau chứ! Kẻo cờ Vàng phai sắc!

THẤY MÀ THƯƠNG NHỮNG CHIẾC HỘP SỮA GUIGOZ

Đọc văn người tù Đỗ Văn Phúc.
Những chiếc hộp sữa Guigoz
Má mua, nuôi đàn em nhỏ
Hết sữa đựng đường, nho khô,
Kẹo, sen, mè, trà, mứt, bánh…

Ngày Lính bị lùa ra Bắc
Vợ tơi chảo thịt chà bông
Ủ chặt từng lon thăm chồng
Dở chết trong tay của giặc

Đòn thù Đảng Phản Đồng Bào:
Buông súng, kiếm, gươm, chùy, đao
Không được vắt cơm, bới cháo

Thương ai đói khát cồn cào!!!

Hết sức Người Tù lao động
Sỏi đá sao chẳng thành cơm?*
Nhờ lãnh án tù Việt Cộng
Danh lon sữa càng thêm… thơm

Thấy thương lon chịu gian lao
“Câu kéo”* vào lửa. Kéo, câu…
‘’Thép” Cộng “đã tôi thế đấy!”
Thành nồi, ấm, chén… nghẹn ngào

Cũng như Người Tù… bi ai!
Lon thêm xích, niềng, móc, quai
Trèo lên rừng thiêng vác củi
Xuống suối uống… nước độc hoài!

Người phù thịnh, hiếm phù suy?
Chủ, lon: bất khả phân ly!
Sống, chết theo bao nhiêu Lính*
Thương thay đồ vật vô tri!

Làm lon Xã Hội Chũ Nghĩa
Nên được “cải thiện”* giấu… rau
Khi lủng, lính dùng cơm trám
Đốt bao nhựa vá, càng… ngầu!

Xé mền quấn làm… bình thủy,
Hàn Sĩ* vượt… rét lao tù
Bạo quyền cầm Cân Công Lý
Chẳng lẽ ngồi khóc hu hu?

Thương Người! Cũng thương chiếc lon
Má đựng đường, chanh: ngào* ngon
Mong em vượt biên thoát chết,
Đứt ruột cho em sống còn

Lon theo người dân, vượt biển
Người khoe: gạo sấy, me, đường
Kẻ giấu: vàng, bạc, kim cương,
Hải tặc tha hồ… bất lương!

Ôi bao ngọt, bùi, cay đắng,
Lon từng đã chia chác, cho…
Đổi Đời còn hơn… trời giáng
“Vì, tại, bởi…” nhiều lý do

Việt Cộng hô: “Đại thắng lợi”
Mình “Đợi thắng lại!” nhé lon
D c cao muốn lên phải… bước,
Núi Non quyết giữ phải tồn!

Sá gì một Đảng Bán Nước!
Phải giữ Bất Khuất Việt Nam!
Kẻ sau theo gương Người Trước
Diệt Cộng và chống ngoại xâm!

---------------------------------------------------------------
*Khẩu hiệu của Việt Cộng: “Với sức người sỏi đá cũng thành cơm”.
*Theo người tù Đỗ văn Phúc đã viết trong “Người Tù, Chiếc Lon Gô và Nhà Kỷ Luật”, báo Người Việt Illinois tháng 12.2007, thì CÂU KÉO “mô tả việc người tù đứng xúm xít quanh lò lửa nhà bếp đưa lon gô vào miệng lò để đun nấu”
*Ngào = nấu với lửa nhỏ và trộn liền tay cho khỏi bị dính thành khối
*Hàn Sĩ = xin hiểu theo cả 2 nghĩa: Thợ Hàn và Người Vô Sản.
*Cải thiện = động từ tìm thêm thức ăn trám cơn đói của người tù “Cải Tạo” trong khi đi lao động bên ngoài.

CHIẾN SĨ KHÔNG ĐƠN VỊ

Cho ai mình phải lo âu?
Cho ai dân Việt trĩu sầu oằn tim?
Vì đâu vượt chết đi tìm?
Vì sao đất khách nỗi niềm ưu tư?
Một câu hỏi của Người Tù*
Vinh danh Chính Nghĩa** cho dù cô đơn
Vần thơ xin được tri ơn
Tấm lòng Chiến Sĩ chẳng sờn sắt son
Tuổi già vẫn chuyện Nước Non
Ai người tuổi trẻ hãy còn ngủ say:
Dậy mà đi! Cố lên này!
Đích Về chưa đến, chớ bày cuộc vui
Dậy mà đi! Chớ ngủ vùi!
“Thất phu hữu trách!” Nhớ nuôi Ngày Về!

--------------------------------------------------
* Người tù: Biệt Kích Nguyễn Hữu Luyện.
** Chính Nghĩa: Quốc Gia.

ÐỪNG QUÊN NHÉ ANH!

Ðêm mơ một quảng đường mòn
Có con bướm đậu, cánh vờn nụ hoa
Vàng tươi bông, đắng khổ qua
Rung rinh trong gió, vườn nhà trái sai.
Lá xanh chen trái buông dài
Bướm hoa đậm nét, thiên thai chợt mờ
Nửa chừng xao-đ9ng giấc mơ
Hờn con bướm trắng chẳng chờ đợi em

Anh ơi! Trái đắng đầu thềm
Tim em lỗi nhịp, ướt mềm vai nghiêng
Mồng tơi tím giậu láng giềng
Nên chưa có mực, lòng riêng em buồn
Mơ chi cũng nhớ cội nguồn
Giấc mơ tựa cánh chuồn chuồn mong manh.
Viết chi cũng chỉ nhắc anh
Ðừng vui xứ lạ mà đành bỏ Quê
Ðường Ði chỉ một lối Về
Mài gươm cho sắc, lời thề chớ quên.

NGHE NHẠC

Vi vu một điệu trữ tình
Cũng chưa vời vợi như tình muôn dân

Nỗi buồn rười-rượi xa gần
Một niềm da-diết, bội phần lâm-ly.
Làm sao đúng nghĩa người đi,
Làm sao anh nhỉ mới vì tự-do?
Bồi-hồi những rối tơ vò
Bồi-hồi, bổi hổi ai lo cho mình?

Vi-vu một điệu trữ tình
Cũng chưa vời vợi như tình muôn dân

HỜN VONG QUỐC

Người già buồn chuyện nước non
Trẻ nghe tâm sự, héo hon muộn phiền
Bao người khoe sắc đảo điên
Mượn danh "tỵ nạn", "búa liềm" nặng đeo
Cờ Vàng Chính Nghĩa không treo
"Tỵ nạn Kinh tế"... ăn theo đủ phần
Chỗ nào họ cũng chen chân
Mặt mo, chia rẽ xa gần, nhơn nhơn

Đường chiến đấu, đường cô đơn
Gươm trẻ chưa bén biết hờn ai đây?
Thưa Bác, xin giữ cho đầy
Trái tim dâng nước, chờ ngày bình minh
Sống sao lòng chẳng tự khinh
Là câu tâm niệm kệ kinh nào bằng
Cám ơn Tre Già cậy măng
Đường gian-nan mấy thưa rằng VẪN ĐI!

Kính tặng g/đ bác Nguyễn Hữu Phú.

LỘNG GIÓ NHƯNG CỜ CHƯA ... BAY

Gió rất nhiều, vờn u ám ám
Lá vàng rơi với mây lam lam
Mùa hè, sao chỉ màu xam xám?
Với lá cờ phần phật... sắc cam!

Lòng tha thiết nên em vẫn ước
Màu cờ kia phải vàng vàng tươi
Bay hiên ngang, tựa như ngày trước
Từng đứng nghiêm, chào giữa sân trường.

NHỚ GÌ?

Trăng đêm tròn tự trên cao
Ánh vàng rớt xuống bờ rào
Sao không có anh cùng ngắm?
Chỉ em một mình lao đao!

Trăng buông ánh sáng ngọt ngào
Nhớ người, ôi nhớ làm sao!
Ngọn gió lạc đường vào... mắt
Biến thành... trận mưa, ôi chao!

Sáng trăng sao mưa lạ tề?
Có phải em nhớ Người Về?
Bôn ba cho tròn bổn phận
Để con cháu mai không chê

Anh ơi trăng Rằm tháng Sáu
Hòa bình đã về hay chưa?
Hay vẫn tháng Tư, trăng máu
Đỏ cờ, bầm sắc lọc lừa?

Tặng những ngưòi đang góp sức cho Đại Cuộc.

LỜI KHUYÊN

“Anh cho em được tự do
Làm thơ và đấu tranh cho… chính mình!”

“Cũng là hợp lý, thuận tình
Trước bao quốc-nhục, lặng thinh sao đành?”

BÀI TOÁN THÁNG TƯ

Từ em biệt xứ lưu vong
Tháng Tư vẫn nhớ đủ vòng nghiệt oan
Gia vong, bao tiếng thở than
Quốc phá, chí sĩ vô vàn nỗi đau
Mỗi ngày họ tự nhắc nhau
Ôn trang sử cũ thuộc làu nét son
Người về dạ hết héo hon
Người đi nhớ đến mỏi mòn xác than
Đi, về; ai biết xa, gần?
Em xa, xa lắm mà dân thương hoài!
Anh ơi! Thấy trẻ mót khoai
Em nghe như chính mình đòi ấm no
Xích xiềng dân bị dày vò
Sao không đòi lại tự-do cho người?
Nguyễn Du làm thơ không cười
“Đoạn trường” đứt ruột một lời “Tân thanh”
Thơ em gói trọn lòng thành
Này câu lục bát gửi anh đọc cùng
Anh thương thì nhớ chia chung
Nỗi đau dân tộc. Não-nùng tháng Tư
Khó khăn, gian khổ chẳng từ
Mong sao Quê Mẹ được như Quê Người.

SOI GƯƠNG & SOI TÂM

Người đi lệ chảy còn cay
Đọng hoài khoé mắt từ ngày lìa Quê
Người đi, đi mãi chửa về
Chỉ con tim, mỗi đêm mê với Nhà
Người xa, chân bước đã xa
Mà hồn gần mãi Quê Cha “đỏ bầm”
Vàng da vẫn khóc âm thầm
Vàng cờ, giữ sắc ươm mầm nhớ nhung
Soi gương còn biết thẹn thùng
Soi tâm còn biết Chuyện Chung rất cần.

LÝ TƯỞNG

Có thật lòng lo thì hãy gắng
Mặt nào cũng rất cần tay nhau
Góp chung sức mạnh: đen, vàng, trắng
Thu ngắn đường về! Mau! Hãy mau!

Có thật vì dân, đoàn kết lại!
Triệu người chỉ một áo… “Thất Phu”*
Còn chi hơn nữa mà ngần ngại
Bốn mặt chung nhau phá Cửa Tù!

---------------------------------------------
* Thất phu hữu trách.