Cố Gắng Lên, gồm trăm bài thơ, mỗi bài như một tâm sự chân tình của tác giả, trước hết nói với chính mình, đồng thời gửi đến bằng hữu, người thân và quý bạn yêu thơ những thao thức của một “người biệt xứ”.
Ai cần được nhắc nhở phải Cố Gắng Lên? Ý Nga tự nhắc nhở: Trong ba đoạn của bài thơ 5 chữ, điều cần phải cố gắng hàng đầu, là: “Dấn thân vào Chuyện Chung.”, đấu tranh cho một Việt Nam Tự Do, No Ấm.
Có một lý tưởng đã khó, nuôi dưỡng và trung thành với lý tưởng đó, còn khó hơn.
CỐ GẮNG LÊN!
Cứu giúp kẻ bần cùng,
Sống tự tại ung dung,
Phân biệt điều sai đúng,
Dấn thân vào Chuyện Chung.
Thơ Ý Nga, trong Cố Gắng Lên, đi từ hiện thực (tiền bạc, nhan sắc, tiếng tăm) tới trừu tượng (chuyển hóa, bản ngã, hạnh nguyện), như Nụ Cười của Đức Phật, là bài Thuyết giảng Không Lời.
Làm sao chúng ta hiểu được Vô Ngôn, không lời, trong bài giảng pháp, qua một nụ cười. Nhất là nụ cười của Niêm hoa Vi tiếu, giơ cành hoa lên và mỉm miệng cười? Có lẽ, chẳng có ý nghĩa gì chứa trong nụ cười, mà chính hình ảnh của nụ cười đã là một ý nghĩa?
Phải thấy hay bị đau khổ, rồi vượt được qua, con người mới biết mỉm miệng, nở tươi một nụ cười hạnh phúc? Nụ cười, trở thành ngôn ngữ, vẫn thường thấy cho lời nói, chữ viết ngay trong đời sống hàng ngày, khi trong tiếng Việt, cười cợt còn có nghĩa là chê cười, đàm tiếu, cần phải thận trọng:
THỜI GIAN
Cười chi người già cả
Run run tấm lưng gù?
Tuổi chúng mình đầu… hạ
Rồi cũng sẽ vào… thu
Lá xanh, vàng trên cây
Sẽ đến một ngày mai
Rụng rơi đời héo úa
Thời gian nào đợi ai!
Cách nhìn cuộc sống, như trên, qua thơ Ý Nga, không dẫn tới một nhân sinh quan tiêu cực yếm thế, chán đời; trái lại, rất tích cực, nhập thế, theo ý của ngài Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác:
“Xả ngã tư nhân ngoại
Phù vân tổng thị nhàn”
Nghĩa là:
“Cứu người, ngoài việc ấy,
Mây nổi cả mà thôi”
Có nghĩa, ở đời này, chỉ có việc Cứu Người là đáng kể, còn mọi chuyện khác nên coi như đám mây nổi, tụ rồi tan, chẳng nghĩa lý chi hết…
Cứu Người? Trước hết phải Cứu Mình, vượt khỏi tình hoài hương, nỗi nhớ nhà; càng xa nhà lâu, càng cháy thương nhớ, mà về bây giờ thì “mọi lý do để phải ra đi” vẫn còn nguyên đó, chế độ độc tài, phi nhân bản chưa sụp đổ; nay phải xin phép cái guồng máy bạo ác ấy, cho nạn nhân của nó được về thăm quê nhà?
MỘNG VÀ THỰC
Đêm nằm gối trên bài thơ
Nghe xào xạc giấy lơ mơ Nhớ Nhà
Câu thơ viết gửi Quê Cha
Hỏi thăm bụi chuối trổ hoa mấy buồng?
Giấy xạc xào, hoa chuối buông
Gối mềm lá chuối, thơ nhường... giọt mưa.
Thắng kẻ gian ác đã khó, nhưng khó hơn nữa vẫn là thắng được chính mình, thắng sự đầu hàng “từng bước”, mà bước thứ nhất là “bỏ phiếu bằng chân”? Hẳn có người sẽ nói “thơ Ý Nga quá khích”, vâng, quá khích trước cái ác đến từ mọi phía, điều mà người có sẵn “thiện căn ở tại lòng ta” mới hiểu được lời thúc giục của Ý Nga: “Cố Gắng Lên!” giữ tấm lòng thương dân, xót nước?
Trân Trọng.
Tủ Sách Sài Gòn Nghĩa Thư.
Nguyễn Hữu Nhật và Nguyễn thị Vinh.
CẢM ĐỀ CỐ GẮNG LÊN!
Sắc Không.
Bạn bảo tôi phải cố gắng lên.
Vâng, tôi xin nghe lời bạn!
Từ năm 1858 tới năm 1945, 88 năm, ông cha chúng ta đã cố gắng đánh đuổi giặc Pháp. Từ năm 1945 tới năm 1955, 9 năm, lại tiếp tục đánh đánh và đuổi giặc Pháp.
Bạn có tính được số người chết, bị thương, bị tù đầy, bị hạ nhục, bị đói rách. Trong 107 năm đó, 26 ngàn, 5 trăm lẻ 5 ngày đêm, tên gọi khác của sự cố gắng là máu xương, nước mắt và mồ hôi cùng nỗi tuyệt vọng đã lên tiếng!
Ông Phan Thanh Giản uống thuốc độc, ông Hoàng Diệu thắt cổ, ông Nguyễn Tri Phương tháo băng vết thương, ông Nguyễn Thái Học lên máy chem. Ôi những bậc tuẫn quốc, vì nước quên mình!
Chỉ vì nhiều vua nhà Nguyễn thích nhá chữ, nhai văn, không chịu như Minh Trị thiên hoàng, bên Nhật, mở cửa canh tân.
Bạn bảo tôi phải cố gắng lên.
Vâng, tôi xin nghe lời bạn!
Tháng 9 năm 1945, ngày mồng 2, nếu đất nước ta được xây dựng trên nền nhân nghĩa “Dân tộc Độc lập, Dân quyền Tự do, Dân sinh Hạnh Phúc” thì ngày nay, 2010, 66 năm, 24 ngàn, 4 trăm lẻ 9 ngày đêm ta no ấm. Chỉ vì “ba dòng thác cách mạng”, Tự do Dân Chủ, Giải Phóng Dân tộc và Xã hội Chủ nghĩa” mà…
Bạn bảo tôi phải cố gắng lên.
Vâng, tôi xin nghe lời bạn!
Lỡ bị thực dân, cộng sản quốc tế ép chia đôi đất nước, mỗi miền tự lo làm giàu, nâng cao trình độ dân trí, thì đâu có thảm cảnh…
Từ năm 1960 tới năm 1975,15 năm, 5 ngàn, 4 trăm, 75 ngày đêm, đổ lên đầu dân tộc Việt cuộc Thử nghiệm Vũ khí khổng lồ, đủ loại tối tân, giết người, chớp nhoáng, hàng loạt…
Bạn ước tính bao triệu người chết, tàn tật, điên loạn..?
Đồng chí và đồng minh đã hại đồng bào như thế nào?
Bạn bảo tôi phải cố gắng lên.
Vâng, tôi xin nghe lời bạn!
Ngày 30 tháng 4 năm 1975, nếu là khởi đầu của “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”, với cả trong Nam, ngoài Bắc, anh chị em nhìn lại nhau…
Thì đâu có cảnh, chưa từng có trong lịch sử Việt Nam, dân mình bỏ nước mình ra đi, liều chết. Ôi, khoảng nửa triệu oan hồn còn đâu đây quanh ta. Dưới ách thực dân tàn độc, đế quốc bạo tàn, cũng vẫn “một tấc không đi, một ly” không rời quê mẹ.
Chỉ vì “treo đầu dê, bán thịt chó”, “Chủ nghĩa Bạo lực, Cách mạng, Chuyên chính, Nghiệm trị, Độc tôn, độc đảng độc tài, Độc trị” quả thật độc… ác! Với các chính sách Bức hại Tôn giáo, Cải cách Ruộng đất, giết chủ đất, đốt sách, bỏ tù văn nghệ sĩ, đổi tiền, Ngăn sông Cấm chợ, cải tạo công thương nghiệp, đánh tư sản, diệt nhà buôn... Và bất cứ ai cũng có thể bị Tập trung Cải tạo, đi tù…
Bạn bảo tôi phải cố gắng lên.
Vâng, tôi xin nghe lời bạn!
Từ năm 1980 tới nay, 30 năm qua, “đổi mới” là “tái cựu”, là trở về làm người, như trước đây vốn là con người.. Cũng không!
Thời của quỷ. Người giàu thì bị cướp của. Người nghèo thì bị cướp công. Vì công an trị!
Bạn bảo tôi phải cố gắng lên?
Nhưng tôi vẫn nghe lời bạn vì nước ta đang mất, đang mất!
Sắc Không.
Na Uy / Oslo / Mùa Xuân 2010.
No comments:
Post a Comment